Cần nâng trình độ cho giáo viên dạy môn học tích hợp

Hiện nay, hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa có giáo viên dạy được tất cả các phân môn  trong môn học tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Khó bố trí giáo viên

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên trong chương trình GDPT mới ở lớp 6 có các môn học tích hợp từ nhiều đơn môn: Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Lịch sử- Địa lý. Dù đã sang học kỳ II nhưng như nhiều tỉnh, TP cả nước, hầu hết các trường THCS trên toàn tỉnh vẫn chưa thể phân công một giáo viên đảm nhiệm giảng dạy toàn bộ môn tích hợp mà vẫn phải để nhiều thầy, cô dạy từng phần nội dung của môn học.

Giờ học môn Khoa học tự nhiên tại lớp 6A, Trường THCS Đồng Sơn (TP Bắc Giang).

Trường THCS Việt Đồng Sơn (TP Bắc Giang) có 4 lớp 6 với 163 học sinh. Thầy giáo Lương Văn Vũ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để đáp ứng yêu cầu nội dung môn học, nhà trường bố trí năm giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên, hai giáo viên dạy môn lịch sử và địa lý, hai giáo viên dạy môn nghệ thuật ở lớp 6. 

Tuy nhiên, với cách bố trí này, giáo viên khó giảng dạy theo tiến trình sách giáo khoa mà phải phân công đảm nhận chuyển tải kiến thức cho học sinh theo từng chuyên đề nên phần nào giảm tính logic của môn học. Trong đó có những kiến thức cần học trước làm cơ sở để các em học kiến thức sau.

Hiện nay, nhiều trường THCS vẫn đang bố trí dạy các phân môn trong môn tích hợp giống như dạy riêng lẻ đơn môn trước đây. Như môn Khoa học tự nhiên sẽ xếp 3 giáo viên gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học cùng dạy. Môn Lịch sử - Địa lý cử hai giáo viên dạy từng phần độc lập về lịch sử, địa lý. Khi kiểm tra định kỳ, các thầy, cô lại cùng thảo luận đưa ra nội dung câu hỏi chung cho các bài kiểm tra.

Nhiều giáo viên cho rằng việc đưa môn học tích hợp vào dạy trước khi đào tạo giáo viên khiến các trường gặp khó khăn. Cô giáo Đỗ Kim Chi, Trường THCS Đồng Sơn (TP Bắc Giang) nói: “Giáo viên dạy bậc THCS được đào tạo phổ biến ở một lĩnh vực nên theo chương trình GDPT mới, thầy, cô giáo chỉ giảng dạy được một phần của môn học tích hợp. Như tôi dạy môn Sinh học nên chưa đảm nhận được toàn bộ kiến thức của môn Khoa học tự nhiên mà đòi hỏi phải có ba giáo viên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mới dạy trọn vẹn môn học tích hợp này. 

Tôi mong trong thời gian tới sẽ được tham gia đào tạo bổ sung phần kiến thức của hai đơn môn Vật lý, Hóa học để có thể giảng dạy toàn bộ môn Khoa học tự nhiên không chỉ ở lớp 6 mà còn các lớp 7, 8, 9 trong những năm tiếp theo thực hiện chương trình sách giáo khoa mới”.

Tăng cường bồi dưỡng để thích ứng

Năm học này, toàn tỉnh có hơn 30,3 nghìn học sinh lớp 6. Ông Ngô Quốc Đường, Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Qua thực tiễn giảng dạy từ đầu năm học đến nay, các môn tích hợp lớp 6 theo phương thức nhiều giáo viên cùng tham gia giảng dạy vẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ. 

Các môn học tích hợp góp phần lược bỏ kiến thức trùng lắp ở nhiều phân môn, giảm tải chương trình. Tuy nhiên cách bố trí giáo viên dạy môn tích hợp hiện nay chỉ là giải pháp tình thế chưa phù hợp với yêu cầu lâu dài của chương trình GDPT mới.

Các môn học tích hợp góp phần lược bỏ kiến thức trùng lắp ở nhiều phân môn, giảm tải chương trình.

Để đáp ứng, trước tiên, mỗi giáo viên cần xác định dạy học tích hợp là việc hoàn toàn mới đòi hỏi mỗi nhà giáo phải không ngừng nỗ lực cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Rút kinh nghiệm sau một học kỳ tổ chức dạy học các môn tích hợp, bước vào học kỳ II, Trường THCS Thái Đào (Lạng Giang) là cơ sở giáo dục đầu tiên trên địa bàn tỉnh thí điểm bố trí một giáo viên dạy môn tích hợp. Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hải, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Trường lựa chọn 4 giáo viên có chuyên môn tốt dạy môn tích hợp lớp 6. Giao các tổ bộ môn tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho giáo viên, vừa dạy vừa rút kinh nghiệm. Thầy, cô giáo chuyên sâu ở phân môn này sẽ trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cho giáo viên ở lĩnh vực khác để cùng đảm nhận được kiến thức tích hợp”. 

Theo thầy giáo Nguyễn Sỹ Nhã dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6, khi giảng dạy tích hợp, học sinh tích cực tham gia tương tác trong giờ học và thể hiện nhiều ý tưởng, nhận định, suy nghĩ mới mẻ trong từng chủ đề. Tuy nhiên, giáo viên phải thực sự tìm tòi, học hỏi, đầu tư giáo án.

Nhìn chung hiện nay nội dung dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 giáo viên có chuyên môn về một trong ba lĩnh vực: Vật lý, hóa học, sinh học vẫn bắt nhịp được nhưng về lâu dài dạy ở các lớp cao hơn, thầy, cô giáo chỉ được đào tạo đơn môn sẽ khó giảng dạy được cả 3 nội dung.

Hiện tại, toàn bộ 232 trường THCS trên địa bàn tỉnh đều thành lập các tổ chuyên môn như: Lý - Hóa - Sinh; Lịch sử - Địa lý; Mỹ thuật - Âm nhạc để giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo hướng cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kiến thức liên quan đến môn tích hợp và xây dựng kế hoạch bài giảng theo chủ đề để tự trau dồi phần kiến thức mới. 

Để đảm nhận giảng dạy hiệu quả chương trình GDPT mới, nhất là đối với các môn học tích hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường rà soát, đánh giá năng lực của từng giáo viên để bố trí, sắp xếp lại, trong đó ưu tiên người có trình độ, năng lực chuyên môn dạy các môn tích hợp. Giáo viên sẽ được bồi dưỡng mở rộng, bổ sung kiến thức trong các khóa học ngắn hạn, dài hạn, tranh thủ thời gian nghỉ hè, học trực tuyến ngoài giờ lên lớp để tiếp cận, một mình có thể đảm nhận dạy tốt môn học tích hợp.

* BBT - Nguồn: m.baobacgiang.com.vn.

Lượt xem: 135
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 550
Hôm qua : 655
Tháng 04 : 8.950
Năm 2024 : 86.811